Công nghiệp

Nước ta có nguồn tài nguyên sa khoáng titan đáng kể. Trữ lượng đã được thăm dò và đánh giá là khoảng hàng chục triệu tấn ilmenit, nằm dọc ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận. Những tỉnh có trữ lượng lớn là Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận.
Nếu so sánh về mặt tiềm năng tài nguyên thì trữ lượng ilmenit-zircon của Việt Nam chiếm khoảng 5% trữ lượng của toàn thế giới. Hàm lượng các khoáng vật có ích trong quặng titan Việt Nam là: ilmenit 20-200 kg/m3, zircon 20-50 kg/m3, rutil 5-10 kg/m3 và một lượng đáng kể monazit. Thành phần khoáng vật quặng trong sa khoáng titan ven biển chủ yếu là ilmenit, zircon, rutil, anataz, lơcoxen, monazit, manhetit... khoáng vật không quặng chủ yếu là cát thạch anh. Ở phần lớn các mỏ, quặng titan chủ yếu (trên 80%) là ở dạng hạt mịn (0,05-0,15 mm). Tổng trữ lượng zircon đi kèm quặng titan ước tính khoảng 0,5 triệu tấn.
1. Tình hình khai thác và sản xuất
Khu mỏ Hà Tĩnh hiện nay đang khai thác quặng titan với công suất 100.000 tấn/năm. Vùng mỏ Bình Định khai thác với công suất 50.000 tấn/năm. Vùng Bình Thuận khai thác với tổng sản lượng 30.000 tấn/năm. Các vùng khác như Thừa Thiên - Huế, Phú Yên đang khai thác với quy mô công nghiệp, sản lượng khai thác là 30.000 tấn/năm.
2. Công nghệ khai thác
Công nghệ khai thác tại nước ta hiện vẫn chủ yếu là khai thác thủ công, chọn lọc những lớp quặng giàu 80 - 85% khoáng vật nặng. Một số cơ sở khai thác thủ công đưa về tuyển bằng bàn đãi, máng thủ công tách cát và thu hồi khoáng vật nặng. Sau đó tuyển tinh quặng bằng máy tuyển từ, tuyển điện - bàn đãi thu được các loại sản phẩm : quặng tinh ilmenit có hàm lượng 52% TiO2, quặng tinh zircon có 55-60% ZrO2, rutil, anataz đạt đến 85% TiO2.
Từ năm 1995 cho đến hiện nay các cơ sở khai thác của ta dần dần đã áp dụng công nghệ khai thác cơ giới bằng máy xúc - máy gạt, xúc lật tập trung quặng về các cụm tuyển. Giai đoạn tiếp theo mức độ cơ giới hóa sẽ khá lớn trong việc khai thác và tạo sự liên hoàn khai thác - tuyển - thu sản phẩm - xuất khẩu. Quặng tuyển có hàm lượng TiO2 = 50 - 52%.
 3. Các phương pháp làm giàu quặng titan
Để điều chế titan kim loại và các hợp chất titan, trong công nghiệp người ta thường áp dụng hai phương pháp: phân hủy bằng axit (thường sử dụng H2SO4) và clo hóa. Phương pháp phân hủy bằng axit chỉ thích hợp với quặng ilmenit, còn phương pháp clo hóa thích hợp cho mọi loại quặng. Vì ilmenit có chứa nhiều sắt nên trong công nghiệp người ta áp dụng phương pháp thích hợp để khử bớt sắt và một số tạp chất khác, nâng cao hàm lượng TiO2 trong quặng. Đó là phương pháp điện nấu chảy khử ilmenit bằng cacbon. Sản phẩm thu được là xỉ titan và gang. Hiện nay, trên thế giới người ta đang tìm các phương pháp hiệu quả hơn để chế biến sơ bộ quặng titan. Vấn đề trở nên bức thiết do nhu cầu rutil ngày càng tăng để sử dụng trực tiếp hoặc điều chế TiCl4. Một số phương pháp đã được tìm ra là:
  •  Nung tinh quặng ilmenit trong lò plasma
  •  Nung tinh quặng ilmenit trong lò tầng sôi ở 500oC, tiếp theo nung khử bằng hyđro ở 900oC, sau đó xử lý bằng dung dịch HCl để tách sắt và phần lớn các tạp chất. Phương pháp này cho phép sản xuất rutil tổng hợp có hàm lượng 95% TiO2.
  •  Nung khử chọn lọc bằng than gỗ hoặc muội than ở 1100 - 1150oC, tiếp theo là nghiền và tuyển từ để tách sắt
  • Thủy clo hóa chọn lọc ilmenit bằng hỗn hợp khí HCl và không khí ở 700oC, cho phép thu được sản phẩm giàu đến 94 - 95% TiO2.
Một trong những quy trình tiên tiến kết hợp giữa các quy trình hiện có, sử dụng những thiết bị dễ chế tạo và có khả năng sản xuất bột màu TiO2 với cỡ hạt rất đồng đều, sản phẩm có thể được sử dụng cả trong những ứng dụng có đòi hỏi khắt khe về vật liệu. Quy trình này đạt hiệu quả kinh tế ở những nhà máy công suất nhỏ hơn các nhà máy thông thường (100.000 tấn/năm), nhờ đó giảm chi phí đầu tư khi xây dựng nhà máy mới quy mô nhỏ ngay bên cạnh mỏ quặng titan.

Lĩnh vực hoạt động

Địa chỉ


Số 2 Ngô Đức Kế, Phường Bến nghé, Quận 1, TPHCM
ĐT:  (+84.8) 6275 4816 - Fax: (+84.8) 3822 6826
Email: info@adtdgroup.com - www.adtdgroup.com
: